Với số điểm thi tốt nghiệp THPT 25-26, nhiều thí sinh hoàn toàn có thể đậu ĐH nhưng đã chọn bậc CĐ và trở thành những thủ khoa, á khoa. Tỷ lệ tân sinh viên có điểm thi từ 20 trở lên tại nhiều trường CĐ cũng rất cao.
Chọn bậc học phù hợp với điều kiện gia đình
Nguyễn Thành Chương (quê Bến Tre) thi tốt nghiệp THPT được 26,21 điểm. Chương đã quyết định chọn ngành quản trị mạng máy tính của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng để theo học và trở thành thủ khoa của trường này.
Chương cho biết: "Do điều kiện gia đình khó khăn, thu nhập của ba mẹ không ổn định nên em có mong muốn học ngành sư phạm toán để được miễn học phí. Vì thế em có dự định nếu đậu sư phạm toán thì học, không đậu thì sẽ chọn một ngành ở bậc CĐ chứ không đăng ký vào các ngành học khác ở bậc ĐH".
Nguyễn Thành Chương chọn ngành quản trị mạng máy tính của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng
Dù trên 26 điểm Chương vẫn không đậu ngành sư phạm toán của một số trường. Với mức điểm này, Chương hoàn toàn có thể đậu nhiều ngành học khác của ĐH, nhưng Chương quyết định nộp hồ sơ vào Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng.
"Em đã tìm hiểu kỹ các thông tin về thị trường lao động, nhu cầu nhân lực thì được biết doanh nghiệp tuyển dụng rất nhiều sinh viên tốt nghiệp CĐ. Hơn nữa, em chỉ học 3 năm là tốt nghiệp đi làm. Học phí CĐ thấp, thời gian học ngắn sẽ bớt được rất nhiều chi phí so với học ĐH 4 năm chưa kể mức học phí ĐH quá cao. Sau khi tốt nghiệp có việc làm và thu nhập ổn định, em sẽ liên thông lên ĐH sau", Chương chia sẻ.
Trong khi đó, Nguyễn Ánh Hồng Quyên (Trường THPT Kiệm Tân, Đồng Nai) được 25,1 điểm cũng quyết định chọn ngành tiếng Anh thương mại của Trường CĐ Kinh tế đối ngoại.
Hồng Quyên tự tin với quyết định học CĐ
"Lúc đầu em cũng đăng ký vào ngành ngôn ngữ Anh của một trường ĐH và đậu, nhưng sau khi cân nhắc, em đã từ chối xác nhận nhập học để nộp hồ sơ vào Trường CĐ Kinh tế đối ngoại vì muốn giảm bớt gánh nặng chi phí cho mẹ", Hồng Quyên kể lại.
Được biết, mẹ Quyên làm máy thêu thu nhập không ổn định, nhà lại còn 2 em trai, nên Quyên muốn học CĐ để nhanh ra trường đi làm phụ giúp cho mẹ.
"Hồi học THPT, tiếng Anh là môn em học giỏi nhất, luôn trong top 2 của lớp. Vì thế, em nghĩ học CĐ mà có năng lực và luôn cố gắng thì hoàn toàn có thể thành công trong nghề nghiệp. Doanh nghiệp ngày nay tuyển dụng cũng không còn quan trọng bằng cấp nữa, mà quan trọng ứng viên có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không. Vì thế em rất tự tin với lựa chọn này", Quyên vui vẻ nói.
Với số điểm 25,86, Phạm Ngọc Linh (Long An) cũng quyết định chọn ngành logistics của Trường CĐ Viễn Đông để theo học và trở thành thủ khoa của trường này, dù có thể đậu ngành logistics của nhiều trường ĐH.
Chọn học CĐ, Ngọc Linh được nhận học bổng
Linh tâm sự: "Học phí học ĐH rất cao. Nhà em có 3 anh em, nên em cũng muốn học CĐ để tiết kiệm chi phí cho ba mẹ. Nhờ mức điểm này mà em được nhận học bổng 50% học phí của học kỳ đầu tiên và sẽ tiếp tục được nhận học bổng nếu duy trì được điểm số tốt".
Theo Linh, nếu giỏi, có năng lực thì dù học ĐH hay CĐ đều được trọng dụng. Sau khi tốt nghiệp, có công việc và thu nhập, Linh dự định sẽ tiếp tục học liên thông lên ĐH.
Chủ động "đi đường vòng"
Tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, thông tin năm nay trường có khoảng 40% tân sinh viên có điểm thi tốt nghiệp THPT từ 20 trở lên. "Ở phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực và điểm học bạ cũng có rất nhiều em điểm cao. Một trong những lý do các em không học ĐH mà chọn học CĐ, vì nhu cầu tuyển dụng người tốt nghiệp CĐ rất lớn. Các em có việc làm ngay, lại có thể liên thông ĐH nếu muốn", tiến sĩ Kha nhìn nhận.
Tại Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, tỷ lệ tân sinh viên đạt 20 điểm trở lên là 50% ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và 64,98% ở phương thức xét học bạ. Ngoài Nguyễn Ánh Hồng Quyên là thủ khoa với 25,1 điểm, ở phương thức xét học bạ có Trịnh Thị Thảo Ngân ngành marketing thương mại là thủ khoa với 29,13 điểm.
Trong khi đó, thạc sĩ Phan Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, cho biết tỷ lệ tân sinh viên có mức điểm thi tốt nghiệp THPT từ 20 trở lên tại trường năm nay là 31,7%. "Có một điểm đặc biệt là số lượng thí sinh không xét ĐH, nộp hồ sơ vào trường ngay từ đầu chiếm tỷ lệ rất cao. Chính vì thế trường đã tổ chức học từ 22.7", thạc sĩ lệ Thu thông tin.
Theo bà Thu, thí sinh ngày càng chủ động trong việc lựa chọn ngành học, bậc học và đều tìm hiểu rất kỹ. "Sau khi tốt nghiệp, đi làm có thu nhập rồi, các em hoàn toàn có thể liên thông lên ĐH. Lựa chọn 'đi đường vòng' như vậy rất phù hợp với những em có điều kiện, hoàn cảnh gia đình không được khá giả", thạc sĩ Thu nhận định.
TIN LIÊN QUAN
- ACCA - Đỉnh cao nghề nghiệp về Kế toán - Tài chính - 25/08/2024
- Giới thiệu ngành Quản trị Kinh doanh Bất động sản - 16/08/2024
- Ngành quản lý siêu thị và những lợi thế tại Cofer - 16/08/2024
- Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cùng đoàn công tác đến thăm và làm việc với Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại - 04/08/2024
- Thông báo điểm trúng tuyển theo hình thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 - 31/07/2024