Tìm kiếm

Với dự án CINONE - ứng dụng đặt xe tải thùng lạnh, Nguyễn Thị Thương, Phạm Bùi Tấn Huy Hoàng và Huỳnh Ly Pha (cùng là sinh viên Trường CĐ Kinh tế đối ngoại) đã vượt qua hơn 600 sinh viên đến từ các trường khác để giành giải 3 cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp.

Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, thu hút hơn 200 đội (620 sinh viên) đến từ các trường ĐH, CĐ phía nam tham gia, vừa diễn ra vòng chung kết và trao giải sáng nay 14.9 với 1 giải nhất, 1 giải nhì và 2 giải 3.

Giải quyết tổn thất của doanh nghiệp vận tải hàng lạnh

Dự án khởi nghiệp của nhóm có tên CINONE - ứng dụng đặt xe tải thùng lạnh. Trước khi bước vào dự án, Nguyễn Thị Thương, Phạm Bùi Tấn Huy Hoàng và Huỳnh Ly Pha đã thực hiện một cuộc khảo sát trên địa bàn TP.HCM. Kết quả cho thấy có đến gần 80% doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn hàng. Họ phải thường xuyên chạy xe thùng không trên đường về, xe nằm bãi với số lượng lớn, mất quá nhiều chi phí cho quảng cáo nhưng hiệu quả lại không cao.

Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp hàng lạnh, thường xuyên có nhu cầu vận chuyển xe thùng lạnh kinh doanh các mặt hàng đông phân phối cho các nhà bán lẻ dưới mô hình siêu thị, nhưng họ không có hệ thống vận tải lạnh và phải thuê ngoài. Tất cả đều gặp một vấn đề chung là chi phí thuê xe thùng lạnh quá cao. Với khối lượng hàng hóa nhỏ, nếu thuê xe thùng lạnh thì lợi nhuận sẽ thấp nên họ phải chấp nhận vận chuyển thông thường. Thậm chí phải vận chuyển hàng trong thùng xốp hoặc thùng nhựa lạnh khiến hàng hóa hư tổn, ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng hàng và doanh thu.

Nguyễn Thị Thương cho biết: “Với tình trạng vừa nêu, tỷ lệ tổn thất hàng hóa trung bình là 25-30%. Tuy nhiên, đối với trái cây và rau quả, tùy theo phương thức chế biến và vận chuyển, mức độ tổn thất có thể lên đến 45%. Tương tự là 35% đối với các sản phẩm thủy, hải sản. Các doanh nghiệp vận tải cần hàng vận chuyển còn các doanh nghiệp hàng lạnh thì cần xe, nhưng tại sao họ lại không gặp nhau dẫn đến các tổn thất trên? Vì thế, dự án CINONE ra đời nhằm giải quyết vấn đề trên”.

Tính năng mới giúp ghép hàng và chia sẻ lộ trình

Thương chia sẻ: “CINONE là một ứng dụng đặt xe thùng lạnh được xây dựng trên hệ thống website, một ứng dụng trên IOS và một ứng dụng trên android nhằm kết nối giữa chủ xe và chủ hàng. CINONE sẽ cho các chủ xe chia sẻ lộ trình đường đi cụ thể lên hệ thống, khi các chủ hàng có nhu cầu vận chuyển hàng đến các địa điểm khác nhau thì họ cũng tiến hành cung cấp một lộ trình và thông tin hàng hóa. Dựa vào đó CINONE phân tích dữ liệu hàng hóa và phân tích lộ trình, khi lộ trình phù hợp và khớp tuyến đường với nhau sẽ tiến hành ghép hàng và vận chuyển”.

Ngoài ra, ứng dụng còn cung cấp các công cụ kiểm soát lộ trình, kiểm soát nhiệt độ để tối ưu hóa các chuyến hàng của mình. Trong khi đối thủ cạnh tranh vận chuyển hàng hóa với các mặt hàng chủ yếu là hàng khô, giải quyết tuyến đường dài và phải đợi rất lâu sau đó hàng hóa mới được vận chuyển thì nhóm lại tập trung giải quyết tuyến đường ngắn với mặt hàng là đông lạnh.

“Giá trị mà CINONE mang lại đó chính là giúp chủ hàng và chủ xe tiết kiệm thời gian, giải quyết vấn đề khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn hàng cũng như nguồn xe, đồng thời giúp cho chủ xe tận dụng tối đa thùng hàng, giúp chủ hàng tiết kiệm chi phí vận chuyển. Tụi em hy vọng có thể tạo thói quen cho người dùng trong việc bảo quản hàng hóa đông lạnh hiện nay, thay vì sử dụng hóa chất để làm cho thực phẩm tươi ngon”, Phạm Bùi Tấn Huy Hoàng cho hay.

Doanh thu của dự án này, theo Huỳnh Ly Pha, sẽ đến từ chiết khấu từ chủ hàng, chủ xe và khi có một lượng user lớn sẽ có nguồn thu từ quảng cáo. Nếu đưa vào hoạt động, thì nhóm sẽ đầu tư phát triển hệ thống, quản lý ứng dụng, giám sát hoạt động, giải quyết vấn đề phát sinh có liên quan. Các đối tác của CINONE chính là Google Map, các công ty bốc xếp hỗ trợ tài xế với số lượng hàng lớn, các công ty kỹ thuật để kiểm soát nhiệt độ cũng như các đối tác quảng cáo để quảng bá sản phẩm. Huy Hoàng (năm 2 ngành xuất nhập khẩu) sẽ làm phát triển và quản lý dự án, Thương (năm 3 ngành tiếng Anh thương mại) nắm mảng marketing và Pha (năm 2 ngành xuất nhập khẩu) sẽ quản lý tài chính.

Tuy nhiên, Nguyễn Thị Thương cho biết cả nhóm muốn hoàn thành chương trình học ở trường để có thêm kiến thức, sau đó tiếp tục nghiên cứu và khảo sát kỹ thị trường, kêu gọi được số vốn khoảng 1,5 tỉ đồng mới bắt đầu có thể đưa dự án khởi nghiệp vào thực tế.

Theo nguồn: Thanhnien.com